Nghiên cứu phát hành trái phiếu chính phủ hỗ trợ nhà ở xã hội
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu chính phủ, hỗ trợ lãi suất cho đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội.
Thông tin nêu tại công văn Văn phòng Chính phủ vừa gửi Bộ Xây dựng, truyền ý kiến Thủ tướng về giải pháp phát triển nhà ở xã hội.
Chính phủ đang thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến 2030. 3 năm qua, gần 500 dự án nhà ở xã hội dự án được triển khai, cung ứng trên 411.250 căn hộ. Nhưng hiện số căn hoàn thành chưa tới 10%, còn lại mới khởi công hoặc chờ duyệt. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thủ tục dự án nhà ở xã hội nhiều hơn làm nhà ở thương mại.
Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các cơ quan nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở này. Bộ này cũng cần nghiên cứu thêm giải pháp về hỗ trợ lãi suất, đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội.
Trái phiếu chính phủ – một trong những công cụ tài chính phổ biến được Chính phủ sử dụng huy động vốn từ các nhà đầu tư. Đây là lần đầu Chính phủ đề cập tới phương án này cho phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng lấy ý kiến vào cuối tháng 2, cơ quan này đề xuất phương án phát hành trái phiếu chính phủ khi phát triển phân khúc này. Việc này để có nguồn lực cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các địa phương phát triển nhà ở xã hội không đồng đều. Chẳng hạn, Hà Nội, TP.HCM số lượng căn hộ chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Nhiều nơi không có dự án được khởi công 3 năm qua, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi.
Hà Tĩnh đấu giá 4 lần không ai mua lô xe sang tịch thu từ vụ án buôn lậu
Giảm hơn một tỷ đồng so với giá khởi điểm 10,5 tỷ đồng ở lần thông báo đấu giá gần nhất nhưng không ai mua chiếc Lexus LX 570, Range Rover…
Lãnh đạo Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật, trụ sở tại TP. Hà Tĩnh, cho biết sẽ đề xuất cơ quan chức năng giảm giá khởi điểm thêm 20 – 30% với 6 ôtô và một xe máy thuộc diện bán đấu giá. Các phương tiện trên đang thuộc quản lý của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hà Tĩnh).
Đây là lô tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước từ vụ án đường dây buôn lậu ôtô xuyên quốc gia do Trịnh Sỹ Hùng, 31 tuổi, trú huyện Hương Sơn cầm đầu, bị Công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá hồi tháng 4/2019.
Đại diện Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết sắp tới sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức phiên đấu giá lô xe.
Tháng 10/2023, 6 ôtô hiệu Lexus LX 570, Land Rover, Volkswagen Beetle, Hyundai Santa Fe, xe máy Ducati Multistrada được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm 10,5 tỷ đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính.
Người muốn tham gia đấu giá phải đặt tiền trước 2 tỷ đồng, 500.000 đồng một bộ hồ sơ. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp qua đường bưu chính, phương thức trả giá lên. Mỗi bước giá 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, 4 đợt tổ chức đấu giá từ năm ngoái đến nay đều không thành công vì không bán được hồ sơ nào. Lần gần nhất là đầu tháng 1, dù giảm giá khởi điểm xuống còn hơn 9,5 tỷ đồng song vẫn không có khách hàng quan tâm.
Theo đại diện Công ty Minh Nhật, đấu giá không thành công vì khách hàng cho rằng giá khởi điểm cao nên chẳng ai mặn mà, nếu mua sẽ lỗ.
Theo điều tra, cuối năm 2018, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất ôtô từ Lào vào Việt Nam, Trịnh Sỹ Hùng dùng 1,5 tỷ đồng mua 4 ôtô sang từ Lào, làm giả giấy tờ rồi bán.
Ngoài buôn lậu, từ cuối năm 2018 đến tháng 3/2019, đường dây do Hùng cầm đầu đã làm giả trên 400 bộ giấy tờ cho ôtô nhập lậu, xe máy trộm cắp; mỗi bộ được bán từ 2,5 – 3 triệu đồng.
Hơn 200 xe buýt mới đưa vào khai thác ở TP.HCM
16 tuyến xe buýt với 239 ôtô mới đưa vào hoạt động ở TP.HCM từ 1/4, kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các tuyến buýt nêu trên do Công ty CP Xe khách Sài Gòn (Saigonbus) và Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabuslines khai thác. Đây là những tuyến có trợ giá, được Thành phố tổ chức đấu thầu trước khi chọn hai đơn vị trên vận hành.
Trong 16 tuyến, Futabuslines khai thác 11 tuyến mang số hiệu: 29, 57, 99, 141, 68, 102, 16, 41, 61, 73 và 151. Những tuyến còn lại gồm: 6, 10, 50, 52 và 91 do Saigonbus đảm nhận. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, các tuyến này đã được thay thế toàn bộ phương tiện cũ bằng xe đời mới, có máy lạnh, giám sát hành trình, camera an ninh, máy bán vé… Trong đó, 195 xe chạy bằng dầu diesel và 44 phương tiện dùng nhiên liệu CNG.
Theo đại diện Futabuslines, xe hoạt động trên 11 tuyến do đơn vị chuẩn bị khai thác thuộc loại 55 chỗ (đứng, ngồi).
TP.HCM đang có khoảng 90 tuyến xe buýt trợ giá. Thời gian qua, ngành giao thông Thành phố đấu thầu khai thác các tuyến theo tiêu chí mới, đến nay có hơn 20 tuyến chọn được đơn vị khai thác, thời hạn 5 năm.
Cơ chế đấu thầu khai thác các tuyến giúp tạo sự cạnh tranh, chọn được đơn vị đủ năng lực nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút nhiều người đi xe buýt. Thời gian thực hiện hợp đồng 5 năm cũng giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, tính toán doanh thu, lợi nhuận để triển khai các phương án thu hút khách.
Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán
Không được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi, HBC lỗ 1.115 tỷ đồng sau kiểm toán trong năm 2023, thay vì 782 tỷ đồng như báo cáo tự lập.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC. Trong đó, doanh thu thuần cả năm đạt gần 7.600 tỷ đồng, gần như không có sự điều chỉnh so với báo cáo tự lập.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán, khiến doanh nghiệp lỗ ròng 1.115 tỷ đồng.
Lý do là chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng từ hơn 480 tỷ đồng lên gần 760 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 270 tỷ đồng sau kiểm toán.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Xây dựng Hòa Bình kinh doanh thua lỗ. Năm 2022, Công ty lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2023, số lỗ lên tới gần 3.700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn chưa đến 94 tỷ đồng thay vì hơn 450 tỷ đồng như trong báo cáo tự lập.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ở mức gần 15.250 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm phần lớn với gần 10.400 tỷ đồng, giảm khoảng 3.300 tỷ sau một năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi chỉ còn gần 400 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp xây dựng này ở mức hơn 15.100 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm hơn 4.700 tỷ đồng, giảm khoảng 1.400 tỷ đồng so với đầu năm.
Sau thời gian khó khăn, Xây dựng Hòa Bình đặt kỳ vọng lớn vào sự hồi phục của năm 2024 với mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng.
Mục tiêu này tương đương với năm 2019, thời điểm các doanh nghiệp xây dựng chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.
Phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng sạch dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn vào ngày 30/4
Quảng Ngãi đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc để đến ngày 30/4/2024, sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tỉnh, tính đến ngày 28/3/2024, Quảng Ngãi đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư 494,06/494,14ha (đạt 99,98%); trong đó, hoàn thành giải phóng mặt bằng 486,55/494,14ha (đạt 98,46%).
Đối với công tác tái định cư, Quảng Ngãi đã hoàn thành thi công xây dựng 23/23 khu tái định cư; phê duyệt 100% phương án bố trí tái định cư và tổ chức bàn giao thực địa 723 lô đất tái định cư cho các hộ dân.
Hiện các huyện như Tư Nghĩa, Nghĩa Hành đang nỗ lực vận động người dân đồng lòng giao đất để thi công cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Ông Nguyễn Đăng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, lãnh đạo UBND Huyện đã trực tiếp đến từng nhà các hộ dân chưa đồng thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng, để vận động, giải thích những kiến nghị, vướng mắc của hộ dân. Qua nhiều lần vận động, tiếp xúc, đã gỡ được những “nút thắt” mà các hộ dân còn vướng mắc, đồng thuận nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng. Tính đến ngày 29/3/2024, có thêm 69 hộ dân nhận tiền bồi thường, tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án…
Đệ trình UNESCO 2 Di sản văn hóa phi vật thể
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể “Mo Mường” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc gửi Hồ sơ “Mo Mường” và “Nghệ thuật Chèo” trình UNESCO.
Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về việc xin phép ký và gửi các hồ sơ quốc gia “Mo Mường” và “Nghệ thuật Chèo” để trình, xét ghi danh vào các Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
Đồng ý đệ trình UNESCO xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể “Mo Mường” (Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội và Đắk Lắk) vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Chèo” (Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng) vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi các Hồ sơ di sản tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.
Tôm Việt xuất sang Mỹ nguy cơ chịu thuế chống trợ cấp
Việt Nam cùng Ấn Độ, Ecuador có thể sẽ buộc phải trả thuế chống trợ cấp cho tôm xuất khẩu sang Mỹ từ dưới 2% đến tối đa 196%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dự kiến trong vài ngày tới, việc áp thuế chống trợ cấp sơ bộ lên tôm xuất khẩu của Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ có hiệu lực.
Thuế sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng, các nước này không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm Mỹ.
Dù vậy, quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa thu hoặc mùa đông năm 2024. Điều này đồng nghĩa các nhà xuất khẩu tôm có thể sẽ gánh mức chi phí chịu thuế gần hết năm nay.
Theo VASEP, yêu cầu đặt cọc thuế của đa số doanh nghiệp Việt Nam là 2,84% trở lên. Riêng trường hợp của Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng là 2,84%, với Công ty Thông Thuận là 196,41%.
Hiện Việt Nam cùng Ấn Độ, Ecuador, Indonesia là 4 quốc gia mục tiêu của DOC trong đợt rà soát lần này bởi chiếm 90% lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ năm 2023.